Thị trường ô tô điện bắt đầu nóng

30/03/2024

Sau VinFast, thị trường xe điện VN vừa có thêm liên doanh xây dựng nhà máy ô tô thế hệ mới tại tỉnh Thái Bình đến từ một thương hiệu Trung Quốc. Điều này cho thấy cuộc đua vào thị trường xe điện bắt đầu tăng tốc.

Hãng xe Trung Quốc tái xuất

Ngày 4.4 vừa qua, Tập đoàn Geleximco của VN và Công ty TNHH ô tô Omoda & Jaecoo thuộc Tập đoàn Chery (Trung Quốc) chính thức ký hợp đồng liên doanh đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất ô tô tại Khu công nghiệp Hưng Phú (Thái Bình). Việc xây dựng nhà máy sẽ được thực hiện theo 3 giai đoạn, với tổng vốn đầu tư 800 triệu USD.

Theo công bố, nhà máy có công suất 200.000 xe/năm và sẽ sản xuất xe năng lượng mới (NEV) – bao gồm xe điện, xe lai xăng/dầu và xe dùng pin nhiên liệu. Dự kiến, nhà máy sẽ được khởi công trong quý 3/2024 và hoàn thành giai đoạn một vào quý 1/2026. Sau khi hoàn thành giai đoạn một, công suất nhà máy khoảng 50.000 xe mỗi năm.

Trong thời gian xây dựng nhà máy, liên doanh cũng sẽ nhập khẩu những mẫu ô tô điện Omoda & Jaecoo từ Indonesia về VN. Các sản phẩm dự kiến gồm Omoda C5 và E5 sẽ ra mắt thị trường trong nước vào quý 3/2024; tiếp theo là bộ đôi SUV Jaecoo 7 và 7 PHEV sẽ ra mắt vào quý 4/2024…

Thị trường xe điện VN có thêm Tập đoàn Chery từ Trung Quốc tham gia

Thị trường xe điện VN có thêm Tập đoàn Chery từ Trung Quốc tham gia

Tập đoàn Chery đang đứng thứ 3 về sản lượng tiêu thụ tại thị trường Trung Quốc, dẫn đầu về xuất khẩu ô tô điện, hoạt động mạnh ở các thị trường như Nam Mỹ, Đông Âu và hiện đang tập trung vào khu vực Đông Nam Á. Với “lý lịch” này, sự có mặt của Chery tại VN khiến cuộc cạnh tranh trên thị trường xe điện nóng lên.

Tuy nhiên, Chery cũng từng gặp thất bại ở nhiều thị trường, trong đó có Mỹ và VN. Cuối năm 2023, truyền thông quốc tế đưa tin hãng xe này cho hay đang cân nhắc thâm nhập thị trường Mỹ. Đây là nỗ lực thứ ba của công ty sau thất bại vào các năm 2005 và năm 2020 tại thị trường Mỹ. Chery cũng từng đến VN thiết lập liên doanh vào năm 2009 với mẫu xe đô thị hạng A có tên gọi Chery QQ3 được lắp ráp trong nước bởi Liên doanh Ô tô Hòa Bình (VMC). Giá bán một chiếc QQ3 tại thời điểm đó khoảng 195 triệu đồng, rẻ nhất thị trường ô tô VN. Tuy nhiên, giá rẻ vẫn không giúp mẫu xe này có doanh số tốt và chỗ đứng trong lòng người dùng Việt. Đến năm 2013, thương hiệu này rút khỏi VN.

Chuyên gia năng lượng Khương Quang Đồng (Pháp) cho rằng giá cả xe điện cũng là sự cạnh tranh rất lớn. Nhiều hãng muốn mở rộng phân khúc xe điện giá rẻ để giới bình dân có thể tiếp cận được, song viễn cảnh này không mấy lạc quan khi chi phí nguyên liệu thô để sản xuất pin tăng mạnh: carbonate lithium tăng 150%, nickel tăng 25%, graphite tăng 15%. Thực tế, xe điện giá rẻ chỉ đáp ứng được một thị phần tương đối giới hạn, chủ yếu là những người ít có nhu cầu đi xa. Có lợi thế về giá bán nhưng đi cùng là hạn chế phạm vi hoạt động ngắn hơn và phải sạc thường xuyên hơn. Do đó, chỉ dựa vào loại xe này là không đủ để phá được trần giới hạn sự phát triển ô tô điện pin. Theo ông Đồng, thế giới cần một đột phá công nghệ, như pin thể rắn chẳng hạn, mới phá vỡ được trần hạn chế của ô tô điện hiện nay.

Trạm sạc là yếu tố quyết định

Với xe điện, có thể nói trạm sạc là yếu tố cơ bản quyết định đến thành bại trong chiến lược phát triển.

Thương hiệu ô tô Việt - VinFast đang có lợi thế khi có trạm sạc phủ sóng trên toàn quốc

Thương hiệu ô tô Việt – VinFast đang có lợi thế khi có trạm sạc phủ sóng trên toàn quốc

Mới đây, anh N.H tại TP.HCM chia sẻ trên trang cá nhân mình đang sử dụng xe điện Mercedes. Khi mở thử app tìm trạm sạc trên ứng dụng của xe thì cho kết quả toàn trạm của VinFast, mà trạm của VinFast thì không cho xe hãng khác sạc nên anh N.H chỉ loanh quanh trong thành phố chứ không dám đi quá xa. Đây không phải là lo lắng của riêng anh N.H mà của rất nhiều người tiêu dùng trước khi quyết định có mua ô tô điện hay không.

Điều này cũng đúng với “ông trùm” xe điện thế giới Tesla. Ra đời trước và đến năm 2023, Tesla chiếm hơn 60% thị trường xe điện tại Mỹ; trong đó, việc phát triển hệ thống trạm sạc là yếu tố mang đến thành công của hãng xe điện này. Cụ thể, Tesla có mạng lưới sạc nhanh lớn nhất với gần 18.000 trạm tại Mỹ. Hệ thống sạc độc quyền của Tesla được gọi là Tiêu chuẩn sạc Bắc Mỹ (NACS).

Tới năm 2024, Tesla thông báo kế hoạch mở một phần mạng lưới 45.000 bộ sạc của mình cho tất cả các mẫu ô tô điện vào cuối năm 2024 theo sự thúc giục của chính phủ Mỹ cũng như nhằm tiếp cận khoản trợ cấp trị giá 7,5 tỉ USD. Với bước đi này, Tesla tiếp tục “thống trị” thị trường xe điện tại Mỹ khi mạng lưới sạc được mở rộng và tiếp cận nhiều loại phương tiện hơn. Đặc biệt, các trạm sạc của Tesla vô hình trung trở thành tiêu chuẩn chung cho thị trường ô tô điện Mỹ.

Theo nhiều nhà phân tích, phải sau 10 năm xây dựng và phát triển, Tesla mới bắt đầu chia sẻ tài nguyên trạm sạc cho các hãng khác dùng chung và cũng chỉ chia sẻ một phần. Trong khi đó, nhiều hãng xe và công ty công nghệ khác mới chỉ tập trung phát triển công nghệ sạc nhanh, lắp đặt trụ sạc được vài năm trở lại đây, thậm chí vẫn đang phải “gồng lỗ” cho chi phí phát triển mảng công nghệ. Trừ khi có định hướng đi kèm chính sách hỗ trợ thiết thực từ chính phủ nước sở tại, các nhà sản xuất sẽ khó lòng chia sẻ trạm sạc của mình cho tới khi nào xe điện thực sự trở nên phổ biến.

Thương hiệu ô tô Việt - VinFast đang có lợi thế khi có trạm sạc phủ sóng trên toàn quốc

Thương hiệu ô tô Việt – VinFast đang có lợi thế khi có trạm sạc phủ sóng trên toàn quốc

Thực tế cho thấy hãng xe nào đầu tư được hạ tầng trạm sạc đáp ứng được nhu cầu người dùng sẽ có lợi thế cạnh tranh lớn trên thị trường. Tại VN, đã có nhiều hãng xe hơi đưa xe điện vào thị trường, từ Mercedes đến Audi hay nhiều thương hiệu xe Trung Quốc nhưng số lượng trạm sạc đếm trên đầu ngón tay và hầu như chỉ tập trung ở TP.HCM và Hà Nội. Điều này khiến khách hàng dù có mê xe ngoại nhưng cũng cân nhắc bởi phải đau đầu khi nghĩ đến việc di chuyển trên đường, nhất là đi lại giữa các tỉnh, thành.

Trong khi đó, hệ thống của VinFast gồm hơn 150.000 cổng sạc trên 63 tỉnh, thành, về cơ bản đã đáp ứng được cơ bản nhu cầu của người dùng cá nhân. Điều này phản ánh một thực tế rằng đến hiện tại vẫn chưa có hãng xe nào có mặt ở VN thực hiện phủ rộng hệ thống trạm sạc trên khắp các tỉnh thành cả nước ngoại trừ VinFast. Chính vì vậy, hãng xe Chery cũng như các tập đoàn lớn khác dù có tiềm lực mạnh cũng sẽ đối diện thách thức lớn trong quá trình vận hành, phát triển khi thâm nhập thị trường VN.

TS Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ môn Cơ khí ô tô, Khoa Cơ khí, Trường ĐH Giao thông vận tải, nhấn mạnh: Xây một trạm sạc cho ô tô điện tốn rất nhiều chi phí, lợi thế của hãng ô tô điện VinFast là có độ phủ trạm sạc quá nhanh và đạt chuẩn tốt. Thứ hai, hệ thống xe taxi điện, xe buýt điện của hãng này cũng phát triển rất nhanh, có độ phủ rộng lớn và đến nay chưa thấy trục trặc gì, độ nhận diện thương hiệu rất tốt. “Nên nếu muốn mua một xe ô tô điện mới tại thị trường VN, chắc chắn người dùng sẽ chọn xe đã có độ nhận diện thương hiệu tốt, có dịch vụ hoàn hảo và quan trọng nhất là tính tiện ích, dễ sạc khi di chuyển đường dài…”, TS Nguyễn Mạnh Hùng nói.

Chuyên gia Khương Quang Đồng thì cho rằng vấn đề quan trọng nhất của xe điện là pin, tiếp đến là hệ thống trạm sạc. Tại VN, có rất ít hãng bán xe điện, chủ yếu là vì hạn chế trạm sạc. Hiện mới chỉ có VinFast đầu tư trạm sạc công cộng nhưng để có một mạng lưới phủ khắp VN tầm quốc gia, nhà nước phải giữ vai trò dẫn dắt, hoạch định chiến lược để tìm tiếng nói chung và xây dựng hệ thống hạ tầng tối ưu. Sau trạm sạc, cũng cần tính đến nguồn điện liệu có đủ cung cấp hay không…

Bài viết khác
email
BÁO GIÁ LĂN BÁNH & LÁI THỬ XE
x